Biểu tượng của lòng tự hào và đoàn kết dân tộc

 

Cổng đền Giếng (Đền Hùng, Phú Thọ).

Tín ngưỡng mang đậm màu sắc đạo lý “Uống nươc nhớ nguồn”

Tâm thức nhân dân luôn nhớ về thời Hùng Vương, với những huyền thoại đẹp về các nhân vật, có phần thánh và có cả phần người, của buổi đầu dân tộc có tên. Nhìn dưới con mắt văn hóa dân gian và góc nhìn của ngành nhân học: Huyền thoại mẹ Âu Cơ không chỉ là chuyện cái bọc trăm trứng, không chỉ là chuyện chia nhau xuống biển, lên núi. Đó còn là chuyện dân tộc ta có cùng một cội nguồn, gắn bó máu thịt keo sơn, còn là chuyện xác định cương vực cư trú của cộng đồng bản địa.

Đi tìm những chứng cứ cụ thể, xác định những niên đại... để vẽ nên một bức tranh bằng phương pháp khoa học về thời bình minh dựng nước của dân tộc là công việc của các nhà khảo cổ học, các nhà sử học, các nhà văn hóa học. Nhưng người Việt Nam, xưa đã vậy và nay vẫn vậy, vẫn tin tưởng chân thành mà chưa vận dụng đến các thành tựu của khoa học rằng mình là con cháu vua Hùng, khởi nguồn sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ.

Trong đời sống tâm linh của người Việt, thời Hùng Vương và các vua Hùng có vị trí đặc biệt quan trọng. Chỉ cần nêu để so sánh: Trong số bốn vị “tứ bất tử” trong tâm linh người Việt: Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh thì ba vị đầu tiên thuộc thời Hùng Vương. Chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh; chuyện người con của vua Hùng, tên gọi Lang Liêu, hiếu thảo với bánh chưng, bánh dày dâng cha mẹ; chuyện Thánh Gióng; chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung... là những huyền thoại lung linh, sinh động và hấp dẫn của nền văn hiến Việt Nam đậm bản sắc. “Vua Hùng” đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng mà gần gũi trong tâm thức Việt, chẳng cần luận giải có thực hay không có thực. Vua Hùng ở cõi siêu trần nhưng không siêu nhân, siêu nhiên đến mức xa cách nhân dân. Nhân dân vẫn gọi vua Hùng là “Đức Tổ”, thờ phụng thành kính cũng như thờ tổ tiên ở nhà chỉ có điều ở tầng cấp cao hơn mà thôi. Chỉ biết rằng dân chẳng thờ sai ai bao giờ!

Khi nước Việt có sử, tục thờ cúng Hùng Vương được ghi chép lại rằng đã phát triển mạnh từ thế kỷ 12, trước khi chính thức được vinh danh trong thời thịnh trị của vị vua sáng Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Trong các thời sau đó, việc tôn vinh “Quốc Tổ” của dân tộc Việt được duy trì đều đặn trong toàn cộng đồng và liên tục phát triển, mở rộng. Rất nhiều nơi, từ nhiều đời, nhân dân thờ Hùng Vương và các bộ tướng của ngài - những người có công giúp nước, cứu dân. Từ trung tâm là Phong Châu cho đến dải đất miền trung, tín ngưỡng thờ Hùng Vương và các vị anh hùng trong thời Hùng Vương rất phổ biến. Điều độc đáo của tín ngưỡng này còn ở chỗ, việc Quốc Tổ Hùng Vương được người Việt tôn vinh, nhưng lại không chiếm vị trí độc tôn tại bất kỳ sinh hoạt tín ngưỡng nào. Thậm chí, ở nhiều nơi, các vua Hùng còn được “bình dân hóa” với việc bài vị của ngài được người dân đưa về nhà, phối thờ tại bàn thờ dòng họ.

Có thể thấy rõ tín ngưỡng thờ Vua Hùng - Quốc Tổ không mang đậm màu sắc tôn giáo mà ở đó màu sắc đạo lý đậm nét hơn. Ở đó tình cảm đã trở thành giáo lý. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, cố kết cộng đồng... Trong Lễ giỗ Tổ có tiếng trống đồng âm vang hùng tráng. Các cuộc rước trang trọng tượng trưng cho những đoàn con cháu từ các miền gần xa cùng về lễ Tổ. Cũng qua việc thực hiện tín ngưỡng thờ Vua Hùng mà văn hóa dân gian quanh vùng Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) có môi trường để lưu truyền đời này qua đời khác.

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Giáo sư - Viện sĩ Phan Huy Lê khẳng định: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; trong đó, tín ngưỡng thờ Hùng Vương rất độc đáo có ý nghĩa sống động. Nó mang đậm tinh thần đoàn kết dân tộc. Trải qua bao cuộc chiến tranh, với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng này không bị mai một mà ngược lại nó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản vô giá của dân tộc Việt Nam”. Tín ngưỡng này đã được UNESCO chính thức ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ ngày 6-12-2012. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của vùng đất tổ Phú Thọ được UNESCO ghi danh sau di sản hát xoan.

Di sản quý báu thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc

Giáo sư Hà Văn Tấn nhận xét: “Không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm như trường hợp Việt Nam”. Tục thờ cúng những cá nhân có công sáng lập (hoặc có công lớn trong thời sáng lập) ra quốc gia vốn phổ biến ở các nước Đông Á. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô, để toàn bộ cộng đồng tham gia vào nghi lễ này lại là điều không dễ gặp.

Trong thời hiện đại, “Quốc Tổ Hùng Vương” cũng là một biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc để chiến thắng. Trong lúc thế nước còn gian nan những ngày tháng đầu tiên sau Tuyên ngôn Độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN “cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương”.

Niềm tự hào về các vua Hùng ăn sâu vào tâm khảm của con người Việt Nam từ đời này qua đời khác. Niềm tự hào đó được thể hiện bằng trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các chiến sĩ trong lần ghé thăm đền Hùng, ngày 19-9-1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năm nay, chúng ta “Giổ tổ” trong điều kiện đặc biệt. Cả nước đang gồng mình quyết tâm đoàn kết dập dịch Covid-19. Ngày “Giỗ tổ mùng 10 tháng ba” không còn phần Hội náo nhiệt rộn rã như hằng năm mà chỉ còn phần Lễ thiêng liêng, nghiêm cẩn. Chúng ta vẫn hướng về một ngày lễ chung của cả nước với niềm tự hào và ý chí quyết tâm gắn kết cộng đồng để chiến thắng dịch bệnh như đã nhiều lần đoàn kết để chiến thắng ngoại xâm và thiên tai trong lịch sử.

THIÊN PHƯƠNG